Bối cảnh
Khử nhiễm dụng cụ y tế đóng một vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa các bệnh nhiễm trùng liên quan đến chăm sóc sức khỏe. Nó bao gồm việc làm sạch, khử khuẩn và/hoặc tiệt trùng.
Các quy trình liên quan đến việc khử nhiễm đều phức tạp, đòi hỏi cơ sở hạ tầng và thiết bị chuyên dụng, và bao gồm nhiều bước tuần tự cần được thực hiện đúng cách – từ việc thu gom và tiếp nhận dụng cụ bởi đơn vị khử nhiễm đến quá trình xử lý, lưu trữ và phân phối khắp cơ sở. Các quy trình kiểm soát chất lượng (như kiểm định) ở từng bước của quá trình khử nhiễm là vô cùng quan trọng để đảm bảo thiết bị và quy trình hoạt động chính xác.
Thông tin quan trọng
Khử nhiễm là quá trình loại bỏ chất bẩn và vi sinh vật gây bệnh khỏi các vật thể – như dụng cụ y tế – để chúng an toàn khi xử lý, dù là để tiếp tục xử lý (tiệt trùng), sử dụng hay loại bỏ.
Dụng cụ dùng 1 lần
Các dụng cụ dùng một lần chỉ nên được sử dụng theo hướng dẫn của nhà sản xuất và không nên tái sử dụng. Các dụng cụ như vậy chưa được kiểm tra, kiểm định và tài liệu hóa một cách rộng rãi để đảm bảo rằng chúng an toàn để tái chế và tái sử dụng.
Sử dụng lại dụng cụ dùng một lần có thể làm ảnh hưởng chức năng và hiệu suất dự kiến của nó. Dụng cụ có thể không chịu đựng được – hoặc không có hướng dẫn cho – quá trình khử nhiễm.
Hệ thống phân loại Spaulding
Hệ thống phân loại Spaulding là một hệ thống phân loại mức độ rủi ro tiềm ẩn của trang thiết bị/dụng cụ y tế có thể tái sử dụng.
Hệ thống này khuyến nghị phương pháp khử nhiễm phù hợp trước khi sử dụng dụng cụ trên bệnh nhân khác (Bảng 1).
Bảng 1. Hệ thống phân loại Spaulding
Môi trường khử nhiễm và tái xử lý
Chất lượng nước cho việc khử nhiễm và tái xử lý nên là nước mềm, có hàm lượng khoáng chất và muối thấp.
Khu vực khử nhiễm, nơi tiếp nhận các dụng cụ y tế đã qua sử dụng để tái xử lý, nên được tách biệt hoàn toàn với tất cả các khu vực làm việc khác, với quy trình làm việc một chiều từ khu vực bẩn sang khu vực sạch. Nó cũng nên nằm ở khu vực có ít lưu lượng người qua lại trong cơ sở y tế.
Nhân viên làm việc trong khu vực khử nhiễm nên:
- sử dụng thiết bị bảo hộ cá nhân (PPE) thích hợp khi xử lý các dụng cụ y tế;
- đảm bảo rằng các hoạt động “bẩn” và “sạch” được giữ tách biệt về mặt vật lý;
- làm sạch và khử khuẩn các bề mặt làm việc ít nhất một lần mỗi ngày, di chuyển từ khu vực sạch đến khu vực bẩn trong quá trình làm việc;
- sử dụng dụng cụ làm sạch riêng biệt cho khu vực sạch và khu vực bẩn;
- dọn dẹp ngay lập tức khi làm tràn nước, theo hướng dẫn của địa phương;
- giữ cho môi trường sạch sẽ, khô ráo và không có bụi.
Đào tạo nhân viên
Các nhân viên cần được đào tạo cũng như được ghi chép lại. Hoạt động đào tạo nên bao gồm:
- đánh giá rủi ro, hướng dẫn sử dụng thiết bị bảo hộ cá nhân (PPE) và cách xử lý hóa chất an toàn;
- tất cả các bước của chu trình khử nhiễm;
- cách khử nhiễm các thiết bị mới mua (như hệ thống robot hoặc laser);
- sử dụng và hiểu rõ chu trình của các thiết bị đặc biệt (như máy rửa/máy rửa khử khuẩn và máy tiệt trùng);
- giải phẫu/cấu tạo của các thiết bị y tế và bảo trì định kỳ;
- giải thích các bài kiểm tra xác nhận (để đảm bảo nhận diện các kết quả chỉ thị thất bại) và lưu trữ lại;
- sức khỏe và an toàn nghề nghiệp;
- cung cấp vắc-xin phòng viêm gan B (nếu chưa được tiêm) sau khi tiếp xúc với các mầm bệnh lây truyền qua đường máu;
- phòng ngừa bị thương do vật sắc nhọn;
- thiết bị bảo hộ cá nhân (PPE) thích hợp cho các công việc khác nhau;
- thực hành kiểm toán để đánh giá năng lực và đảm bảo sự phù hợp với phương pháp tốt nhất.
Đảm bảo chất lượng
Cần thực hiện một số kiểm tra để đảm bảo chức năng và sự vô trùng của các trang thiết bị và dụng cụ y tế.
Các chính sách và quy trình vận hành tiêu chuẩn cần được thiết lập cho:
- tất cả các bước của quy trình khử nhiễm;
- cách khử nhiễm của từng dụng cụ;
- quản lý các dụng cụ y tế hư hỏng;
- mua sắm thiết bị mới (như máy tiệt trùng), thiết bị/dụng cụ y tế và hóa chất (như chất khử khuẩn).
Tóm tắt chu trình khử nhiễm
Chu trình khử nhiễm minh họa các đặc điểm của quá trình khử nhiễm.
Các bước này được mô tả chi tiết hơn bằng các yếu tố chính dưới đây.
Tài liệu tham khảo
- Decontamination and reprocessing of medical devices for health-care facilities. Geneva: World Health Organization; 2016 (https://apps.who.int/iris/handle/10665/250232, accessed 15 July 2022).
- Health Technical Memorandum 01-01: management and decontamination of surgical instruments (medical devices) used in acute Part A: management and provision. London: Department of Health;2016. © Crown copyright 2016.
- Decontamination and sterilization of medical devices. In: Infection Prevention and Control [online course series]. Geneva: World Health Organization; 2016 (https://openwho.org/courses/ipc, accessed 15 July2022).
- Global Guidelines for the Prevention of Surgical Site Infection. Geneva: World Health Organization; 2016. (https://apps.who.int/iris/handle/10665/250680, accessed 15 July 2022).