THỰC TRẠNG Ô NHIỄM BỀ MẶT VÀ SO SÁNH HIỆU QUẢ CÁC BIỆN PHÁP VỆ SINH BỀ MẶT TẠI KHOA HỒI SỨC TÍCH CỰC BỆNH VIỆN ĐA KHOA QUỐC TẾ VINMEC TIMES CITY
Đào Hải Nam, Nguyễn Thị Phúc, Nguyễn Thị Anh, Lê Thị Thanh Thủy, Nguyễn Thị Thu Vinh – và cộng sự Bệnh viện đa khoa quốc tế Vinmec Times City
TÓM TẮT
Đặt vấn đề:
Nhiễm khuẩn bệnh viện (NKBV) tại khoa Hồi sức tích cực (HSTC) đang là thách thức lớn đối với các cơ sở khám chữa bệnh (KCB). Môi trường bệnh phòng và môi trường xung quanh người bệnh (XQ NB) bị ô nhiễm là một trong nguyên nhân chính lan truyền các tác nhân gây NKBV nếu không được vệ sinh đúng quy trình. NKBV xảy ra tại khoa HSTC làm tăng thời gian điều trị, tăng nguy cơ tử vong cũng như là gánh nặng tài chính cho bất cứ bệnh viện nào. Phòng ngừa và kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện tại khoa HSTC đòi hỏi phải áp dụng tổng hợp các biện pháp khác nhau. Nhiều nghiên cứu chứng minh rằng biện pháp vệ sinh bề mặt làm giảm sự lan truyền các vi sinh vật gây NKBV.
Mục tiêu:
(i) Xác đinh thực trạng ô nhiễm vi sinh bề mặt phòng bệnh; (ii) So sánh hiệu quả các biện pháp vệ sinh bề mặt tại khoa Hồi sức tích cực, bệnh viện đa khoa quốc tế Vinmec Times City
Phương pháp:
Đào tạo quy trình làm vệ sinh bề mặt cho NVYT của khoa. Giám sát thực hiện. Lấy mẫu ngẫu nhiên trên các bề mặt thiết bị trong buồng bệnh để nuôi cấy, định danh vi khuẩn bằng phương pháp áp thạch.
Kết quả:
Bàn ăn của NB có số lượng VSV trung bình nhiều nhất 73,9 cfu/đĩa thạch, nhưng ít xuất hiện vi sinh vật (VSV) gây bệnh (1/10). Bồn rửa tay, bảng điều chỉnh giường bệnh, máy thở có số lượng VSV trung bình là 43,82 – 45,38 cfu/đĩa thạch, nhiều thứ 2 sau bàn ăn. Đây cũng là các bề mặt có tần suất xuất hiện VSV gây nhiều nhất (15,38% – 38,46%). Các chủng VSV gây bệnh xuất hiện nhiều nhất trên các bề mặt là Acinetobacter baumannii (58,78%) và E.meningoseptica (34,19%). Kết quả nuôi cấy cho thấy số lượng VSV trung bình/đĩa thạch và tần suất xuất hiện VSV gây bệnh trên các bề mặt khi sử dụng phương pháp lau bằng khăn bông với 2 xô hay 1 xô không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê, nhưng số lượng VSV trung bình/đĩa thạch và tần suất hiện VSV gây bệnh khi dùng giấy tẩm hóa chất dùng 1 lần để vệ sinh bề mặt giảm có ý nghĩa thống kê so với 2 phương pháp trên với p < 0,001. Phòng có phun khử khuẩn sau làm sạch thì có số lượng VSV trung bình và tần suất VSV gây bệnh cũng giảm so với không phun khử khuẩn nhưng không có ý nghĩa thống kê.
Kết luận:
Các bề mặt có số lượng VSV trung bình/đĩa thạch là 31,06 cfu. Trong đó bề mặt bồn rửa tay, bảng điều chỉnh giường bệnh, máy thở xuất hiện nhiều VSV gây bệnh nhất. Sử dụng khăn giấy tẩm hóa chất dùng 1 lần có hiệu quả giảm VSV trên bề mặt thiết bị. Phun sương khử khuẩn làm giảm số lượng VSV trên bề mặt nhưng giảm không có ý nghĩa thống kê so với bề mặt không phun khử khuẩn.
Chi tiết đầy đủ của báo cáo xin vui lòng xem chi tiết link download sau:
Bai bao Hieu qua ve sinh be mat_Vinmec Times City (toan van)